20 năm viết tình ca

Nhiều lần tự hỏi, âm nhạc đã từ đâu trong người mình để rồi thoát thai ra hơn trăm bài hát. Chuyện mình viết nhạc nghe có chút gì đó ngược ngược, không liên quan với chuyện hồi nhỏ học chuyên Toán, lớn lại theo nghề Y biết bao nhọc nhằn chẳng còn thời gian đâu mà thư thái.

☘️ Ba đã gieo mầm từ những bản Tình khúc Da vàng và tiếng hát Khánh Ly

Có lẽ âm nhạc đã đến với mình từ những năm 1977-1978, một thằng bé chừng 6-7 tuổi. Sáng sớm cả nhà thường được Ba đánh thức bằng những bản Tình khúc Da vàng của Trịnh Công Sơn qua mấy băng cassette. Ba mở nhạc đủ lớn cho tụi nhỏ dậy, nghe đã lắm. Mình còn nhớ rõ mồn một tiếng guitar và giọng hát rền rền, thô thô của Khánh Ly nghe ám ảnh đến tận giờ. Không hiểu sao mới 6-7 tuổi thôi nhưng nghe trong lòng nhiều cảm xúc lạ lắm. Thức giấc, nằm nghe và tận hưởng. Âm nhạc những ngày ấy đã quyến rũ mình vô cùng. Sướng có. Buồn có. Một cảm giác lâng lâng. Trong mấy băng cassette Da Vàng Ba hay mở, bài hát có giai điệu đẹp và giàu hình ảnh nhất với mình là “Du Mục” – nơi đó hiện ra một đàn bò vô thần đi vào thành phố. Hồi đó còn nhỏ nhưng trong lòng đã nghe man mác buồn, một chút xốn xang khi hình dung trong đầu cái cảnh:
“Đàn bò vào thành phố 
Đêm buồn vắng buồn hơn 
Đàn bò vào thành phố 
Không còn ai hỏi thăm 
Đàn bò tìm dòng sông 
Nhưng dòng nước cạn khô 
Đàn bò bỗng thấy buồn, bỗng thấy buồn 
Rồi một hôm đứng mơ mây ngàn”

Có hai bài hát nữa đã làm mình nhiều lúc thẩn thờ: Bà mẹ quê (Phạm Duy), Người thợ săn và đàn chim nhỏ (Anh Bằng). Hình ảnh Bà mẹ quê nghe cứ thương thương: 
“Vườn rau, vườn rau xanh ngắt một màu 
Có đàn, có đàn gà con nương náu 
Mẹ quê, mẹ quê vất vất vả trăm chiều 
Nuôi đàn, nuôi một đàn con chắt chiu 
Bà bà mẹ quê! Gà gáy trên đầu ngọn tre 
Bà bà mẹ quê! Chợ sớm đi chưa thấy về 
Chờ nụ cười con và đồng quà ngon.
Trời mưa, trời mưa ướt áo mẹ già 
Mưa nhiều, mưa nhiều càng tươi bông lúa 
Trời soi, trời soi bốc khói sân nhà 
Nắng nhiều, nắng nhiều thì phơi lúa ra”

Cứ mỗi khi chờ mẹ đi chợ về hoặc những lúc trời vừa dứt mưa, nắng lên, nhìn ra sân nhà thấy lũ gà con chạy lăng xăng là mình lại nghêu ngao “Bà mẹ quê”. 

Còn bài “Người thợ săn và đàn chim nhỏ” – với mình – hay như một câu chuyện kể bằng điệu tango. Lúc đó còn nhỏ nhưng đã ngấm ngầm hiểu ra cái nhân văn trong lời hát – con người cõi trần lắm khi cũng tầm thường vô tâm lắm, có là gì so với hình ảnh đàn chim quá đỗi vị tha: 
“… Chim yên tâm sống vô tình
Yêu thương nhau trên đầu cành
Đạn vụt bay đến nhanh 
Cả bầy chưa tung cánh 
Xác rơi trên đất lành
Rồi người thợ săn âm thầm mang súng mang chim trở về
Lề đường bầy chim không thù không oán hót cho người nghe
Rượu nồng thịt thơm bao người nâng chén no say đùa vui 
Đâu biết chim ngậm ngùi”

Giờ mình nghiệm ra cho riêng mình: ca khúc gọi là hay và đi vào lòng người cần phải giàu hình ảnh!

☘️ Tuổi thơ đầy ắp âm nhạc

Lúc còn nhỏ, cả đám hay nằm xung quanh Mẹ, có khi nằm gối đầu lên bụng mẹ nữa, nghe mẹ hát những bài hát mà đến giờ mình vẫn còn thuộc: Xuân này con không về, Căn nhà ngoại ô, Mưa đêm ngoại ô, Nó, Đám cưới nghèo,… Có khi nghe Mẹ hát cả “Bông Hồng Cài Áo” – thơ của Thầy Thích Nhất Hạnh, hỏi ra mới biết nhạc do Mẹ tự soạn. Còn nhớ hồi nhỏ lúc nào trong nhà cũng đầy ắp âm nhạc. Ba còn bấm máy cassette thu lại giọng hát của mấy anh chị em trong nhà nữa. Bây giờ nghe lại mới thấy quý làm sao!
Những tháng năm học nơi ngôi trường làng Tân Tiến B Thành phố Biên Hoà, mình may mắn được Cô giáo cho tham gia văn nghệ ngay từ lớp 1. Những chương trình văn nghệ 20-11 của Trường, mình xem không chớp mắt. Nhất là khi nghe Cô Thanh Hà (mẹ của Lynh Nghy NL) hát hay thiệt hay, chợt mơ ước sau này được đứng hát trên sân khấu. Rối ngày ấy cũng tới. Chuyển biến lớn nhất có lẽ là Giải A Hội diễn Hoa Phượng đỏ năm 1984 – mình hát “Qua Cầu Công Lý” ngây ngô, tự phát, không ngờ lại mang giải về cho Trường. Phải cám ơn Thầy Thông là người phát hiện và tập tành cho mình. Sau đó, điều kỳ diệu lại xảy ra khi mình được chọn vào Đội ca Nhà Thiếu Nhi Đồng Nai với sự chỉ dạy của Thầy Hai Vũ Đan Huyền Dan, Thầy Nguyễn Phú Yên, anh Hoà và chị Thuỷ. Đó là những năm tháng tuổi thơ thật đẹp cùng Kiêm Thịnh Thinh Kiem Le, Bích Ngọc, Thái Trung, em Long Toàn Toan Vo, em Vũ tí hon, Anh Đang Tâm Dang Tam Nguyen, bạn Đình Huy Ha Nguyen, Chị Mộng Vân, Chị Mỹ Tâm,… giúp mình quen với sân khấu biểu diễn, quen hát với ban nhạc, biết thế nào là loa monitor. Cứ mỗi cuối tuần lại diễn ở sân khấu lớn Nhà thiếu nhi, dạn dĩ hồi nào không hay. Năm 1985 còn được đi diễn 1 chuyến xuyên Việt nữa. Có lẽ những ngày tháng ấy, âm nhạc đã ngấm vào máu mình nhiều nhất

☘️ Làn Sóng Xanh và cảm hứng viết nhạc

Những năm cấp 3 và đại học, mình túi bụi với bài vở, tập trung vào việc học, không tham gia văn nghệ nhưng vẫn nghe nhạc, thỉnh thoảng vẫn ra các tiệm băng đĩa thu các băng cassette nhạc chọn theo ý mình – những tình khúc xưa. 
Rồi một ngày nọ Làn Sóng Xanh xuất hiện khiến mình đắm đuối với âm nhạc hơn cả ngày trước. Nghe, tập đàn guitar và hát những bài hát của Dương Thụ, Bảo Chấn,… Bài hát hay nhất những năm ấy với mình là “Dòng sông lơ đãng” và giọng hát mình vô cùng yêu – không ai khác – Thu Phương. Đó là kiểu âm nhạc có bề sâu, có lời đẹp và giọng hát ấy – luôn ngập ngụa yêu thương khiến người nghe cứ bồng bềnh trong những hoài niệm đầy lãng mạn. Nó hoai hoải khó tả.
“Ở chốn nào dòng sông đã hòa cùng đại dương 
Cạn bến bờ chiều nay thẫn thờ nhìn hoàng hôn 
Rồi chúng ta sẽ đôi lần nuối tiếc 
Để một dòng sông lơ đãng trôi qua 
Một sớm kia xuôi theo dòng em đến 
Cớ sao anh chẳng đứng chờ”

Hình như kể từ đó mình muốn viết nhạc, linh cảm rằng mình có thể làm được điều đó. Một chuyến công tác về miền Trung, mình ngồi trên chiếc xe con băng qua những đoạn đường đèo nhiều cỏ lau, cỏ may, cỏ đuôi chó thiệt đẹp. Nắng chiều nhạt dần, cũng là lúc trong lòng nghe nhớ nhà, buồn man mác, miệng tự nhiên lẩm nhẩm mấy câu hát. Về tới khách sạn ghi lại liền, sợ quên. Cỏ xưa – bài hát đầu tay đã ra đời như vậy

Anh Quý Hoàng đi công tác cùng đợt ấy chính là người chứng kiến khoảnh khắc mình viết Cỏ Xưa. Sau đó may mắn được cậu em Trần Quý Ngọc bày cho viết văn bản nhạc. Phải nói lời cám ơn và biết ơn đến ông thầy dạy viết văn bản nhạc đầu tiên này. Thời gian đầu viết văn bản nhạc, mình thấy mù mờ kinh khủng, sau đó quyết định ra nhà sách tậu 3 quyển nhạc lý cơ bản và nâng cao để nghiền ngẩm. Cuối cùng thì đâu cũng vào đấy. Mình mê viết nhạc hồi nào không hay, viết một mạch 5-6 bài và tự tin hơn. Cứ thế những bài hát nối nhau ra đời. 

☘️ Sân chơi Bài Hát Việt và những câu chuyện hơn cả một giấc mơ

Thụy Long luôn là người thu âm những sáng tác mới toanh của mình ngày ấy: Cỏ xưa, Phím dương cầm, Lặng lẽ mẹ tôi, Khúc lãng quên, Những bước chân khuya, … Mình thu âm cùng Thụy Long để nghe lại những gì mình viết. Một ngày nọ mình liều mạng gửi bài tham gia Liveshow Bài hát Việt. Công nhận lúc đó gan và hâm thiệt, không hiểu nghĩ sao mà dám gởi, nhất là Bài Hát Việt những năm đầu toàn là những tên tuổi quen cả – Trần Tiến, Đức Trí, Võ Thiện Thanh, Lưu Thiên Hương,… Có lẽ nó giống như cái cảm giác: Trước biển khơi – vừa sợ, vừa thèm gió! Không ngờ một buổi sáng nọ nhận được cú điện thoại giọng Hà Nội từ VTV gọi vào máy mình, báo bài “Còn lại những yêu thương” của mình được chọn vào Liveshow Bài Hát Việt

Nghe điện thoại mà ù cả tai, cứ sợ ai điện thoại nhạo mình, một hồi mới tỉnh người ra – dạ dạ vâng vâng. Còn nhớ vác mặt đến nhà hát Hoà Bình dự Liveshow Bài Hát Việt mà vừa vui, hãnh diện, vừa ngại ngại sợ sợ. Cám ơn Hiền Thục hát hay và cho mình niềm hạnh phúc khó tả khi “Còn lại những yêu thương” của mình vang lên giữa nhà hát Hoà Bình một cách trang trọng, lung linh và đầy chuyên nghiệp. Vui đến nổi khó ngủ. Mọi thứ vượt quá suy nghĩ của mình. Sau đó nghiêm túc nghiệm lại xem có phải mình hên – kiểu chó táp phải ruồi hay không. Thế là gửi thêm vài bài nữa, thật khó tin lại thêm 3 bài được chọn vào Liveshow Bài Hát Việt. Mình bắt đầu tự tin hơn và ý thức sáng tác chuyên nghiệp, chỉn chu hơn. Thử nghiệm như thế đã đủ, sau đó không gửi bài tham dự nữa, âm thầm viết. May mắn sau đó được NS Phan Khanh, NS Nguyễn Đức Trung, NS Xuân Hoàn giới thiệu học lớp bồi dưỡng sáng tác – được học với các Thầy, những nhạc sĩ mà trước đây mình yêu mến nhưng chỉ biết tên trên màn hình tivi chạy chữ mỗi đầu bài hát: Trần Long Ẩn, Nguyễn Đức Trung, Phan Vũ,… nay thấy bằng da bằng thịt. Và rồi được kết nạp vào Hội âm nhạc TP HCM 2007 

Dần dà nhận ra rằng người viết nhạc cần trang bị cho mình những gì cơ bản, còn thì cảm xúc và sáng tạo vẫn là những điều quan trọng cho một ca khúc hay. Mình đã viết như một nhu cầu thật sự – những câu chuyện kể từ bạn bè, của chính mình, của mọi thứ đang trôi qua trước mặt mình bằng âm nhạc và chỉ viết khi có cảm xúc. Viết và học hỏi thêm nhiều điều mới lạ. Sau này biết ra có nhiều điều ngộ nghĩnh, trái ngược với cái lý thuyết bình thường trong âm nhạc. Kiểu như càng nghe càng thích nhạc Lê Uyên Phương, nghe mãi và nhận ra những bài hát buồn viết ở giọng Trưởng thì buồn đến tận cùng.

☘️ Ngồi hát ca bồng bềnh

Những ngày tháng này, những sáng tác của mình được viết bằng cảm xúc với một cảm giác bình an hơn, thong dong hơn. Hơn trăm tình khúc, hơn 20 bài cho thiếu nhi. Nghe vui vui. Có chút gì đó ý nghĩa cho đời. Ở các phòng trà ca nhạc, các phòng trà hát với nhau hàng đêm đã làm nên nét văn nghệ của Sài Gòn, thỉnh thoảng ca khúc mình viết lại vang lên: Có lẽ vì, Có lời nào ta lỡ quên, Một ngày ghé qua, Còn nghe những ngày mưa,… Mùa Vu Lan lại nghe mọi người hát Lặng lẽ mẹ tôi, Mẹ là cánh cò yêu thương, À ơi mẹ ru,… Mừng cho những ca khúc đã có đời sống của riêng nó. Người viết thì vui vì đã viết hộ được câu chuyện mà ai đó muốn kể, vui hơn cả ngồi kể câu chuyện của riêng mình.

Những tiếng hát lung linh dưới ánh đèn sân khấu hay lặng lẽ ngã vào con hẻm sâu thì cũng đều là quý. Hát cho tình đầu hay hát cho cuộc tình nhàu nát thì cũng đều là hát tình ca thôi mà. Hát cho bạn hay hát cho tôi thì cũng là hát về thân phận. Nhốt giông bão vào tim hay tung vào trời xanh những yêu thương quá đỗi ngọt ngào – chưa chắc đâu thật sự là hạnh phúc! Mình thích viết những bài tình ca để những người yêu nhau ríu vào nhau mà ngã – đó là thứ hạnh phúc đời thường, bình dị mà đẹp nhất!

Những chiều bồng bềnh ngồi hát ca cùng bè bạn, yêu đến tận cùng âm nhạc – nơi đó không chỉ có âm thanh, mà còn có những cái vô hình làm cho con người sống nhẹ nhàng hơn, bay bỗng hơn, nhân văn hơn. Cám ơn Ba Mẹ đã cho con năng khiếu này. Cám ơn những ý tưởng âm nhạc đã đến và ở lại với mình. Cám ơn những nhà hoà âm phối khí, cám ơn các bạn ca sĩ đã giúp cho những sáng tác của mình được ra đời lần thứ hai và vang lên xanh ngắt. Trân quý và cám ơn các đồng tác giả trong một số sáng tác của Md. Đặc biệt biết ơn rất nhiều các cô chú, anh chị, các bạn và cả những người chưa biết mặt, chưa từng gặp – khắp mọi nơi đã yêu quý và dành những tình cảm đặc biệt cho những bài tình ca Đ viết.

Tôi đếm tuổi mình – bằng hai mươi năm luênh loang những bài tình ca – đang lân la xuống phố …

| M i n h Đ ứ c |

☘️. Những cái nhất và đầu tiên:

🎼 Bài hát đầu tay | CỎ XƯA

🎼 Bài hát được phổ biến nhất | CÓ LẼ VÌ

CÓ LẼ VÌ Long Jesus

🎼 Bài hát về Mẹ được hát nhiều nhất 
LẶNG LẼ MẸ TÔI

🎼 Bài hát viết về hoài niệm tuổi thơ ưng ý nhất 
CÁNH DIỀU CÒN KHÔNG? Quang Dung

🎼 Bài hát viết nhanh nhất và hào hứng nhất
VIẾT CHO MÙA MƯA KHÁT (Thơ: Huân Trần)

🎼 Bài hát được viết ở trên cao nhất 
(viết trên máy bay) 
MÙA ĐI QUA PHỐ Minh Chuyên
THÀNH PHỐ NGÀY MỚI

🎼 Bài hát có quãng rộng nhất 
HẠNH PHÚC XA TRÔI

🎼 Bài hát phổ thơ ưng ý nhất 
VIẾT CHO MÙA MƯA KHÁT (Thơ: Trần Huân)

🎼 Bài hát được quay MV đầu tiên 
ĐÔI KHI

À ƠI MẸ RU Hà Vân

🎼 Bài hát rock duy nhất 
GIẤC MƠ MANG ANH ĐẾN BÊN EM

🎼 Bài hát viết với đồng tác giả đông nhất
PHÍA KHÔNG ANH Huong Giang
SANG MÙA Duy Long
(Minh Đức – Ngọc Minh Ngoc Minh – 
Huyền Phan Huyen Phan – Khánh Thy)

🎼 Bài hát dài nhất | NGÀY CÓ MẸ

https://youtu.be/zFazNkug8TE

🎼 Bài hát được nhiều giải thưởng cao nhất
TRĂNG VỀ LÀNG 
Giải Nhì Ca khúc Tuổi Hồng 2013
Tặng thưởng Hội Âm nhạc TP.HCM 2013

🎼 Bài hát mới nhất | CÓ BAO GIỜ EM BIẾT

🎼 Ca sĩ thu âm những sáng tác Md nhiều nhất 
DUY LONG 

Leave a Reply

VŨ MINH ĐỨC - BM&C @ 2018